Chủ Nhật, 04/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Nâng cao giá trị cho cây sở huyện Bình Liêu

Cây sở đang ngày càng trở lên quan trọng đối với người dân Bình Liêu từ việc trồng sở lấy dầu, trong đó, dầu sở đang rất thu hút người tiêu dùng nhờ giá trị dinh dưỡng của nó. Đặc biệt, thông qua Lễ hội hoa sở được tổ chức hàng năm còn là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch địa phương.

Tại Bình Liêu, cây sở đã được trồng từ năm 1940 ở thôn Nặm Tút, xã Lục Hồn. Trước đây, cây sở mọc hoang ở rừng, người dân Bình Liêu thường chặt cành về làm củi. Hiện nay, cây sở đã được trồng để lấy hạt ép làm tinh dầu, cho giá trị kinh tế cao.

Hoa sở - nét đẹp miền biên viễn Bình Liêu

Mặc dù cây sở là một trong những cây trồng có tiềm năng, thế mạnh của huyện, song do đầu ra không ổn định, nên việc trồng cây sở những năm trước đây gặp nhiều khó khăn. Nhằm phát triển rừng trồng sở theo hướng bền vững, kết hợp giữa lợi ích kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái và rừng phòng hộ trên địa bàn, UBND huyện Bình Liêu đã phê duyệt Dự án “Khôi phục và phát triển cây sở giai đoạn 2014-2020” với mục tiêu đến năm 2020, địa phương trồng mới khoảng 1.700 ha sở, tập trung ở các xã: Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Hoành Mô. Trong đó, năm 2014 tập trung phục hồi, phục tráng (tỉa và chăm sóc) cho 30 ha rừng sở; thực hiện mô hình trình diễn ghép đổi tán với quy mô 4 ha; tổ chức 8 lớp tập huấn; xây dựng vườn ươm sở. Từ năm 2015-2020 trồng mới 1.615,4 ha rừng sở. Bên cạnh hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, giống cho các hộ trồng sở, dự án còn đảm bảo đầu ra sản phẩm cho các hộ trồng sở có thể kết nối, hợp đồng bán sản phẩm với các công ty dầu thực phẩm trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện dự án, huyện Bình Liêu đã hỗ trợ đến 70% giá cây giống, hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình 135, huyện Bình Liêu đã thu hút được sự vào cuộc của đồng bào. Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây sở, thu mua và tiêu thụ quả sở tại chỗ. Hiện giá bán dầu sở trên thị trường khá cao, khoảng 400.000 đồng/lít, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và phản hồi khá tích cực.

Kết quả trong 3 năm (2015 - 2017), diện tích trồng mới rừng sở toàn huyện Bình Liêu đạt trên 600 ha. Đến thời điểm hiện tại, huyện Bình Liêu đã triển khai trồng mới được trên 400 ha sở, đưa tổng diện tích sở lên hơn 500 ha, trong đó có hơn 130 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 1-1,5 tấn hạt/ha.

Sản phẩm sở có đầu ra ổn định, sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi khoảng 20-30 triệu đồng/ha. Theo bà con ở đây, trồng sở chỉ bỏ công chăm sóc khi cây còn nhỏ chưa khép tán, sau 5 năm trồng cây bắt đầu cho quả, mỗi năm thu hoạch một lứa vào những tháng cuối năm. Sau thu hoạch, cây sẽ ra hoa ngay để cho quả cho vụ sau.

So với các cây khác như keo, tràm, thì cây sở cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản phẩm sở ngoài bán cho thương lái, người dân còn bán cho hợp tác xã để ép dầu chế biến thành sản phẩm OCOP... Năm 2018, toàn huyện Bình Liêu ép được hơn 6.320 lít dầu sở, đạt 90,29% kế hoạch và bằng 105,33% so với năm 2017.

Bình Liêu nâng cao giá trị cây sở thông qua nhiều mô hình

Trong quá trình triển khai, mặc dù cây sở có nhiều giá trị, nhưng việc phát triển cây sở ở Bình Liêu còn nhiều tồn tại, từ khâu chọn giống đến các biện pháp kỹ thuật trồng (đặc biệt là mật độ trồng) và chăm sóc, nuôi dưỡng. Hiện năng suất của cây sở Bình Liêu chỉ đạt khoảng 1-2 tấn hạt/ha/năm. Trong khi nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất hạt có thể đạt tới 2-3 tấn/ha/năm.

Về tiêu thụ, trước đây, cây sở được người dân trồng, thu hoạch theo quy mô hộ và chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc ở dạng hạt với giá thấp, bấp bênh. Người dân tự ép dầu để gia đình sử dụng, ít bán ra thị trường nên giá trị không cao. Từ khi tỉnh Quảng Ninh  triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhận thấy giá trị kinh tế mà dầu sở mang lại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc để chế biến dầu sở xuất ra thị trường.

Hiện trên địa bàn huyện có HTX Phát triển xanh thực hiện thu mua hạt và chế biến ép dầu sở. Nhận thấy thế mạnh, giá trị của cây sở, HTX Phát triển xanh đã đầu tư dây chuyền sản xuất dầu sở với công suất chế biến 5 tấn/ngày, sản lượng dầu đạt trên 1.000 lít/năm. Vào vụ thu hoạch sở, HTX có thể ép được từ 2-3 tấn hạt/ngày với giá từ 250-300 đồng/lít đầu sở. Khi ép bằng máy, sản phẩm dầu sở đạt chất lượng tốt nhất, có màu sắc đồng nhất và bắt mắt hơn được khách hàng ưa chuộng hơn.

Hiện nay, HTX cùng địa phương tích cực hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ người dân trồng cây sở bảo đảm chất lượng thu hoạch để chế biến. Mỗi ha sở, những gia đình chăm sóc tốt thì có thể đạt năng suất đến gần 5 tấn/ha và được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường 1.500-2.000 đồng/kg. Trung bình 1 ha sở người dân bán quả cho HTX thu về 40 triệu đồng. Trong đó, chi phí chăm sóc cây sở thấp, ngoài tạo nguồn thu ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện, cơ sở sản xuất của HTX Phát triển xanh cũng đang tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động nông thôn với thu nhập 3-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2019, huyện Bình Liêu sẽ tập trung xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm dầu sở Bình Liêu. Đồng thời, chỉ đạo tập trung phát triển mở rộng vùng nguyên liệu cho cây sở của địa phương, bởi trong tương lai nhu cầu với dầu sở là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu vùng nguyên liệu, huyện đang thực hiện nhiều chương trình chính sách hỗ trợ từ Chương trình nông thôn mới 135, để người dân phát triển mở rộng diện tích trồng sở...

Cùng với việc khai thác giá trị kinh tế, từ năm 2015, huyện Bình Liêu đã tận dụng, khai thác vẻ đẹp tự nhiên của rừng sở mùa nở hoa để tổ chức Hội hoa sở Bình Liêu, tạo thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, một thương hiệu văn hóa của huyện vùng cao Bình Liêu. Qua nhiều năm được tổ chức thành công, Hội hoa sở Bình Liêu không chỉ tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng, thu hút rất đông du khách tham gia, mà còn góp phần thúc đẩy tăng nhanh cả về diện tích, chất lượng rừng trồng trên địa bàn huyện. Năm 2018, Bình Liêu đón trên 72.000 lượt khách, trong đó không ít người đến huyện vùng cao này để được tận mắt ngắm nhìn những cánh rừng sở trắng ngần bên núi rừng, thác nước và đường tuần tra biên giới.

Lễ hội “Bình Liêu mùa hoa sở” là một phần trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Liêu đến năm 2020, định hướng 2030. Mục tiêu của quy hoạch sẽ xây dựng, phát triển du lịch Bình Liêu trở thành ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế của huyện; phát triển du lịch xanh gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế như nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

Như vậy, tại Bình Liêu, cây sở không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương từ việc canh tác trồng sở lấy dầu, mà cây sở đã và đang trở thành cây trồng thu hút khách du lịch từ “Lễ hội hoa sở” được tổ chức hàng năm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website