Thứ Năm, 08/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đồng Tháp chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đưa trái xoài sang Hoa Kỳ

Xoài được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và hướng tới tầm nhìn năm 2030. Tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý để ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng như xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài...

Đồng Tháp hiện là địa phương dẫn đầu về diện tích trồng xoài thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (với khoảng 9.300 ha) và thứ hai về sản lượng (gần 100 nghìn tấn/năm). Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, xoài cũng được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và hướng tới tầm nhìn năm 2030.

Điều kiện đưa trái xoài Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ và sự chuẩn bị của tỉnh Đồng Tháp

Theo Cục Bảo vệ thực vật, để xuất khẩu quả tươi vào thị trường Hoa Kỳ, các địa phương và doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu chính như sau:

- Vườn trồng, cơ sở xử lý sau thu hoạch (chiếu xạ) và cơ sở đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật và Văn phòng Cục kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số (code) để quản lý và truy suất nguồn gốc;

- Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ với liều lượng tối thiểu 400 Gy (tùy giống xoài mà doanh nghiệp sẽ thử nghiệm liều chiếu xạ khác nhau);

- Được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

- Ngoài ra, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng một số yêu cầu khác được cục Bảo vệ thực vật và APHIS thống nhất, ví dụ như:

+ Các nhà vườn trồng xoài phải tuân thủ quy trình sản xuất theo GAP (VietGAP, GlobalGAP).

+ Các vườn xoài phải tuân thủ không được sử dụng các loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật không được phép lưu tồn trên quả xoài khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ hoặc tuân thủ thời gian cách ly trước khi sử dụng v.v..

+ Nhà vườn trồng phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, phải ghi chép sổ nhật ký đầy đủ theo quy định.

Đến nay, xoài của Việt Nam đã hoàn thành tất cả các thủ tục để được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch về xử lí bằng chiếu xạ được ký kết. Như vậy, đây là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa) được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Để sản xuất ra sản phẩm xoài đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trên, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành hàng xoài giai đoạn 2016 - 2020. Trong các năm qua, tỉnh đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy trong sản xuất, cũng như góp phần giúp trái xoài Đồng Tháp đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với truy xuất nguồn gốc.

- Thứ hai, tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô, tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

- Thứ ba, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản.

- Thứ tư, hỗ trợ phát triển nhãn hiệu hàng hóa thành thương hiệu.

- Thứ năm, hỗ trợ ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch.

- Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với chất lượng nông lâm thuỷ sản.

Đồng Tháp đã đăng ký nhãn hiệu là: Xoài Cát Chu Cao Lãnh, Xoài Cao Lãnh

Đồng Tháp phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực

Để phát triển bền vững ngành hàng xoài, tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý để ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng như xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain (lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) vào việc truy xuất nguồn gốc xoài.

Hiện giống xoài chủ lực của địa phương hiện là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Đa phần người trồng xoài hiện đã thực hiện bao trái kết hợp xử lý ra hoa rải vụ để cung cấp cho thị trường quanh năm. Hiện tỉnh Đồng Tháp nhân rộng mô hình bao trái xoài được thực hiện gần 90% diện tích. Bao trái giúp ngăn chặn côn trùng xâm nhập, hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 – 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20 - 30%. Đây là biện pháp góp phần nâng chất lượng trái xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch, dễ tiêu thụ và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài việc chú trọng đến sản xuất, đầu ra của trái xoài cũng được tỉnh Đồng Tháp quan tâm. Với diện tích trồng xoài lớn của tỉnh với hơn 2.500 ha, thành phố Cao Lãnh vận động người dân cơ cấu lại mùa vụ và hợp tác liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn. Ngoài ra, địa phương đang xây dựng các vùng trồng xoài có liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại 70% diện tích trồng xoài đã có liên kết với doanh nghiệp.

Không chỉ quan tâm đến nguồn hàng được sản xuất, đầu ra của sản phẩm, Đồng Tháp còn chú trọng đến việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, vì đây là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu. Với mong muốn nâng cao giá trị quả xoài - sản phẩm chủ lực của địa phương, Đồng Tháp đã đưa vào hoạt động Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp xử lý triệt để và không còn dính da gây ra bệnh cháy da hay thối đầu cuống. Từ đó, xoài Cát Chu, xoài Đài Loan (hay xoài tượng da xanh) có thể bảo quản trên 30 ngày.

Dưới sự hỗ trợ từ Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), phân viện cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, doanh nghiệp đã đầu tư lại cơ sở vật chất trang thiết bị (hệ thống điện mặt trời, máy rửa xoài, thổi kho, hệ thống băng chuyền, kho lạnh,...). Từ đây, xoài sau khi được phân loại sẽ được rửa trong bồn xử lý mủ. Sau đó cho vào dây chuyền hiện đại bao gồm các khâu rửa xoài bằng nước nóng, xử lý hóa lý, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn, đóng gói. Toàn bộ dây chuyền đều được máy móc đảm nhận, giúp tiết kiệm nhân công và giảm đáng kể lượng nông sản hao hụt. Trước đây, công ty TNHH Kim Nhung là cơ sở thu mua xoài nguyên liệu với số lượng từ 15 - 20 tấn, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và Trung Quốc, đến nay năng suất thu mua của Công ty đã tăng lên 40 - 45 tấn/ngày, cao điểm đạt 60 tấn/ngày, giúp quả xoài bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính như Australia, Nga, Hàn Quốc và mới đây là Hoa Kỳ.

Như vậy, trước việc trái xoài Việt Nam được Hoa Kỳ chấp nhận thông quan, việc chinh phục lòng tin của người tiêu dùng, tự tin nhập cuộc thị trường ngoài nước, đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy canh tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tiến tới cùng mua chung, bán chung. Mặt khác, với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, người nông dân, doanh nghiệp không dừng lại khai thác xoài ở sản lượng trái mà cần tiếp tục hướng đến những giá trị cao hơn như: chế biến xoài sấy xuất khẩu, nước ép xoài, dưa xoài, rượu xoài, sản xuất xoài gắn với du lịch… Đây là những biện pháp Đồng Tháp đã và đang hướng đến để nâng giá trị ngành hàng chủ lực cũng như đưa trái xoài nhập cuộc tự tin khi có “giấy thông hành” sang Hoa Kỳ.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website