Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa và chuyên canh, người dân các xã của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh đầu tư các giống cây mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, dưa lê là một trong những loại cây trồng truyền thông của huyện bởi dưa lê là giống cây ngắn ngày, dễ làm, cho lợi nhuận cao hơn hẳn các loại cây rau màu khác.
Trồng dưa lê đem lại hiệu quả cao tại huyện Nghi Lộc
Dưa lê Nghi Lộc được trồng từ khoảng cuối tháng 3 dương lịch và thu hoạch rộ vào dịp tháng 6. Dưa lê trồng tại Nghi Lộc được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, vì vậy dưa đạt năng suất cao, quả to, mọng vỏ, thơm ngon. Quả có vị ngọt thanh không đượm như dưa hấu, mùi thơm dịu, thớ thịt trắng ngà. Bên cạnh đó, dưa lê là loại quả bổ dưỡng và có nhiều công dụng. Dưa lê giàu folate - một loại vitamin có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch, loại bỏ các loại ký sinh trùng có trong ruột nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Dưa lê rất dễ trồng trên vùng có chân đất cao, đất thịt nhẹ hay cát pha. Đây là loại cây trồng có rất nhiều ưu điểm: thời gian sinh trưởng ngắn từ 50 – 65 ngày (tùy mùa vụ), cây sinh trưởng và phát triển mạnh, kháng được nhiều loại sâu bệnh, có thể trồng được quanh năm, năng suất cao 1 - 1,5 tấn/sào và chỉ phù hợp với những cánh đồng có hệ thống tiêu thoát nước nhanh. Do đó, diện tích trồng dưa lê của Nghi Lộc chủ yếu tập trung nhiều ở các xã vùng màu như: Nghi Long, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Hợp, Nghi Khánh, Nghi Thuận, Nghi Trung, Nghi Thạch.
Trong vụ hè thu năm 2019, dưa lê Nghi Lộc có sản lượng bình quân đạt từ 8 -10 tạ dưa/sào. Giá bán tại ruộng dao động từ 15.000 - 17.000đồng/kg (cao hơn năm 2018 từ 2.000 - 3.000 đồng/kg). Theo bà con nông dân trồng dưa lê lâu năm, cây dưa lê là giống ngắn ngày, dễ làm, cho lợi nhuận cao hơn hẳn các loại cây rau màu khác, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 10-14 tạ/sào. Với giá bán tại ruộng như hiện nay, mỗi sào cho thu nhập 15 -16 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều so với cây trồng khác.
Xã Nghi Long được coi là thủ phủ trồng dưa lê của huyện Nghi Lộc. Cây dưa lê được du nhập vào đồng ruộng Nghi Long từ hơn 5 năm qua, song trồng với diện tích nhỏ, cho hiệu quả chưa cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, xã, trong những năm gần đây bà con nông dân đã đưa nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong đó có dưa lê.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghi Long, vụ hè thu năm 2019, toàn xã trồng hơn 40ha dưa lê, tập trung nhiều ở các xóm 3, 4, 12, 13. Hiện nay, có khoảng 10ha dưa lê vụ hè cho thu hoạch sớm. Dưa trồng chủ yếu dùng phân vi sinh nên đảm bảo an toàn. Bà con chăm sóc chu đáo, lót ni lông phía dưới, nên dưa mọng nước và tròn đều, đẹp, không bị sâu.
Chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao
Cùng với dưa lê, trong thời gian qua các các xã của huyện Nghi Lộc đã lựa chọn những mô hình chuyển đổi cây trồng khác nhau nhằm giúp người dân tận dụng lợi thế đất đai và cải thiện thu nhập. Người dân các xã Nghi Trung, Nghi Xá, Nghi Thuận, Nghi Hoa, Nghi Vạn, Nghi Phương cùng nhau trồng các cây ăn quả, các loại rau màu, trồng hành tăm, khoai tây, trồng nghệ và các loại hoa, cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Đến nay, huyện Nghi Lộc đã quy hoạch được 150 ha đất trồng hành tăm, cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng/sào. Cây nghệ cũng được trồng ổn định với diện tích 120 ha, cho giá trị cao hơn so với trồng lúa trước đây. Người dân các xã miền núi như Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Văn, Nghi Công nâng diện tích trồng rừng với các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như keo, thông, tràm.
Đặc biệt, trên diện tích đất trồng rừng, người dân trồng xen các loại cây ăn quả như cam, chanh, thanh long… nhằm đa dạng nguồn thu trên một diện tích. Đầu tư vào trồng rừng, nhiều hộ dân tại các xã miền núi của huyện Nghi Lộc có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, huyện Nghi Lộc đã lồng ghép chương trình xây dựng NTM với các chương trình khác để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hướng dẫn các xã tổ chức cho người dân trồng các loại cây theo quy trình VietGap, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và quảng bá thương hiệu.
Riêng tại xã Nghi Long, không chỉ có dưa lê, trên cánh đồng của xã Nghi Long là màu xanh trải dài của dưa hấu và dưa lưới. Có những gia đình đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm nhà lưới trồng dưa lưới vàng. Loại cây này được trồng công phu, mỗi cây chỉ cho một quả, giá 1kg hơn 50 nghìn đồng, mỗi sào cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Những năm qua, người dân xã Nghi Long đã quen thuộc với việc bám đồng bám ruộng, mạnh dạn đưa các giống cây mới vào trồng thử nghiệm. Sau mùa thu hoạch các loại dưa, người dân xã Nghi Long lại trồng các loại rau màu như bí xanh, bắp cải, xu hào, trồng hành tăm và trồng các loại hoa. Và Nghi Long cũng là xã mạnh dạn đưa các giống lúa, lạc năng suất cao vào sản xuất. Là một xã thuần nông của huyện Nghi Lộc, đến nay Nghi Long đã xây dựng thành công mô hình cánh đồng thu nhập cao với diện tích 40 ha, cho thu nhập bình quân hơn 300 triệu/ha. Hiện nay, xã đang đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích chuyên canh, đa dạng cơ cấu cây trồng trên 115 ha đất lúa và 200 ha đất màu.
Theo thông tin từ UBND huyện Nghi Lộc, trong năm 2018, các chỉ tiêu sản xuất ngành nông nghiệp của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản phẩm ngành nông nghiệp tiêu thụ khá tốt, thu nhập người dân được nâng lên. Huyện luôn chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tìm kiếm và lựa chọn các giống cây mới để đưa vào trồng thử nghiệm, sau đó phối hợp với các xã hướng dẫn kịp thời, cụ thể quy trình sản xuất cho người dân. Mục tiêu đề ra của huyện đối với sản xuất nông nghiệp là quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi được các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện Nghi Lộc có diện tích đất nông nghiệp lớn, khai thác được lợi thế tại chỗ của đất nông nghiệp sẽ giúp người dân đa dạng thu nhập, nâng cao mức sống và góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Nguồn: VITIC tổng hợp