Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu do có nguồn nguyên liệu trồng nấm phong phú, điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển nhiều chủng loại nấm và có thể trồng nấm quanh năm. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với phát triển nấm rơm, các loại nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi, nấm kim châm… cũng được nuôi trồng đạt hiệu quả cao và ngày càng nhân rộng. Để sản phẩm đầu ra ổn định, Đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới sản xuất nấm theo công nghệ cao, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thu hoạch nấm bào ngư huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long
Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để phát triển ngành trồng nấm
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng nấm của cả nước đạt 136,504 nghìn tấn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng nấm qua các năm của Việt Nam đạt bình quân 11,88%/năm. Riêng vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nấm lớn nhất khu vực phía Nam, với gần 80.000 tấn nấm/năm. Trong đó, khu vực trồng nấm ở Đồng bằng sông Cửu Long tập trung nhiều nhất ở các huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp, thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang, Thốt Nốt ở Cần Thơ, huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long, …
Trồng nấm rơm mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân như vốn đầu tư không nhiều, thời gian quay vòng ngắn, kỹ thuật đơn giản, dễ trồng. Nghề trồng nấm chủ yếu là ở công chăm sóc.
Theo lịch thời vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian phát sinh rơm ở Đồng bằng sông Cửu Long rải rác từ tháng giêng đến tháng 8, tập trung nhiều nhất vào tháng 1, tháng 4 và tháng 8 ở các vùng sản xuất lúa 2 vụ hoặc 3 vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, cứ sau vụ lúa, người dân sẽ làm vệ sinh đất sạch sẽ, tránh mầm mống bệnh cho vụ nấm. Rơm được thu gom về chất thành luống, tưới nước, ủ ẩm và gieo meo nấm. Cứ 2 – 3 ngày sẽ đảo rơm để điều chỉnh nhiệt độ một lần. Sau 20 – 30 ngày nấm bắt đầu lớn, có thể thu hoạch được. Mỗi vụ thu hoạch nấm rơm kéo dài từ 10 – 15 ngày, cứ cách 2 – 4 ngày sẽ hái nấm một lần. Bên cạnh những vụ chính trong năm thì những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đã tiến hành trồng nấm trái vụ vào khoảng tháng 9 -11 âm lịch, tạo nguồn nấm có quanh năm và phục vụ cho dịp tết Nguyên đán.
Việc trồng nấm rơm còn kéo theo nhiều dịch vụ khác như thu mua, sơ chế nấm … Vì thế mà nghề trồng nấm rơm đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân ở các vùng trồng nấm.
Nấm rơm sạch của Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước
Ngoài việc trồng nấm rơm theo phương pháp truyền thống, nông dân còn tiếp cận với phương pháp sản xuất mới như: trồng nấm rơm trong nhà, trồng nấm rơm cải tiến, cho năng suất cao hơn.
Năm 2019, dự án “Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thu gom rơm và xây dựng mô hình sản xuất nấm rơm theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm” đã được thực hiện với mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất nấm rơm theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa công nghệ cao vào quy trình sản xuất...
Mô hình trồng nấm rơm cải tiến áp dụng vỉ lót đáy để lượng rơm sát đất không bị hư; rải vôi diệt khuẩn để ngừa nấm dại tấn công; trùm cao su và ống hơi phần rơm ủ để giữ nhiệt độ, ẩm độ, từ đó giúp rơm không bị khô do nắng nóng, không làm bốc hơi và không bị đọng nước ở giữa đống.
Mô hình này cũng chỉ sử dụng 1 lần thuốc cho vào mô rơm ở thời điểm cấy meo giống để bổ sung dinh dưỡng cho rơm, vì vậy cho ra sản phẩm nấm sạch hoàn toàn, rất an toàn cho người tiêu dùng.
Sức tiêu thụ nấm rơm tăng/giảm còn tùy thuộc vào sức mua. Cao điểm nấm bán chạy nhất là vào ngày rằm (ngày 14 và 15) và 30 mùng 1 (âm lịch). Nếu thu hái nấm ra bán đúng vào dịp này, nhu cầu mua tăng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường và bán được giá cao hơn.
Hiện nấm rơm sản xuất theo cách làm truyền thống ngoài trời có giá bình quân 45.000 – 50.000 đồng/kg. Riêng nấm sạch trồng trong nhà có giá bán 65.000-80.000 đồng/kg; nấm rơm sạch luộc, cấp đông có giá 290.000 đồng/kg; nấm rơm tươi cấp đông có giá 240.000 đồng/kg.
Ngoài nấm rơm, bà con nông dân còn tận dụng thêm diện tích đất để trồng các loại nấm linh chi, bào ngư,… trong đó nấm bào ngư được chú trọng đẩy mạnh phát triển.
Nấm bào ngư xám vừa dễ trồng, lại cho thu hoạch liên tục khoảng 4 tháng. Từ khi bắt đầu trồng phôi nấm cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng nửa tháng. Cứ 10 ngày, thu hoạch nấm một lần.
Nấm bào ngư xám đặc tính ít bệnh, dễ trồng, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất và có giá trị dinh dưỡng rất cao, có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, nấm bào ngư xám có thể sản xuất được quanh năm và thị trường tiêu thụ đang ổn định, mở rộng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nấm bào ngư xám là loại nấm ăn giàu chất dinh dưỡng, tiêu thụ mạnh tại các quán ăn, nhà hàng. Đây là loại thực phẩm sạch vì quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện giá bán nấm bào ngư tại thị trường nội địa dao động quanh mức từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Còn giá nấm bào ngư xuất khẩu đạt 2.600 USD/tấn, khá cao so với một số nông sản khác.
Định hướng phát triển ngành nấm của Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới
Thời gian qua đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm có hiệu quả ở quy mô hộ gia đình, trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nấm. Sản xuất nấm đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quy mô hàng hóa; gắn kết đồng bộ các khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ. Nhờ vậy đã có nhiều mô hình bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, việc phát triển ngành nấm còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất trồng trọt nhờ sử dụng các phụ phẩm của trồng trọt.
Tuy nhiên, so với các nước sản xuất nấm trong khu vực và thế giới thì sản xuất nấm nước ta nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn gặp nhiều hạn chế trong công nghệ, năng suất, chất lượng và sự đa dạng sản phẩm. Việc sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng; chưa có sự đầu tư đúng mức cho sơ chế, chế biến, bảo quản. Do đó, chất lượng sản phẩm chưa cao, khó có thể cạnh tranh với một số nước. Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa có nơi thu mua số lượng lớn.
Để phát triển nghề nấm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả, địa phương xác định, tiếp tục hướng đến sản xuất theo công nghệ cao, tập huấn cập nhật kỹ thuật mới cho nông dân. Bên cạnh đó, xây dựng các điểm trình diễn mô hình trồng nấm rơm trong nhà, nấm bào ngư với các diện tích, quy mô lớn.
Để việc trồng nấm phát triển ổn định, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã trao đổi những kỹ thuật, công nghệ mới về sản xuất nấm không cần thanh trùng giá thể, phương pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp như rơm, mạt cưa, bã mía, bông vải... làm giá thể để trồng nấm. Trong đó, vấn đề được quan tâm là đổi mới công nghệ trồng nấm, đưa cơ giới hóa và tự động hóa vào sản xuất nấm, hướng tới trồng nấm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu… Đồng thời, cần tăng cường giải pháp, mời gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn trên địa bàn, hỗ trợ chính sách tín dụng để bà con nông dân có điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất tăng thu nhập cao cho người trồng nấm ăn.
Nguồn: VITIC tổng hợp