Chủ Nhật, 22/12/2024
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đồng Tháp gia tăng giá trị củ ấu, hướng đến sản phẩm OCOP

Cây ấu phát triển trên địa bàn huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp. Để giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm củ ấu, cần có hướng liên kết trong sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đầu tư chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ củ ấu và hướng đến trở thành sản phẩm OCOP.

Củ ấu chứa rất nhiều carbohydrate tốt, không chứa cholesterol và rất ít chất béo. Củ ấu cũng chứa nhiều chất sắt, canxi, kẽm, kali… và nhiều dinh dưỡng khác tốt cho sức khỏe.

Ấu được đánh giá là cây tương đối dễ trồng. Loại bỏ phương pháp trồng cũ, thay vào đó là những biện pháp cải tạo đất kết hợp với phòng bệnh, người trồng tuân thủ những quy tắc trồng mới để bảo đảm chất lượng, áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn. Chính quyền địa phương và người trồng ấu chú trọng xây dựng thương hiệu, từng bước sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị, giúp tăng thu nhập từ cây ấu.

Ấu là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan nên diện tích được mở rộng, người dân đầu tư sản xuất thâm canh quanh năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, toàn huyện Lấp Vò có 85 ha trồng ấu, trong đó xã Long Hưng B có diện tích trồng lớn nhất với 82 ha, năng suất bình quân 10-15 tấn/ha.

Củ ấu Long Hưng mới đây đã được chứng nhận nhãn hiệu “Củ ấu Long Hưng”. Nhãn hiệu có thể được sử dụng bởi bất kỳ người nào có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Lấp Vò đều có thể đăng ký sử dụng tên nhãn hiệu “Củ ấu Long Hưng” cho sản phẩm mình sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần khuyến khích sản xuất phát triển, quảng bá sản phẩm, được mọi người tin dùng, giúp tăng lợi nhuận cho người dân sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây ấu.

Củ cấu huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

Xã Long Hưng B có diện tích canh tác ấu phủ đều trên địa bàn thuộc các ấp. Để nâng cao hiệu quả, trong 3 năm gần đây người dân trên địa bàn ấp Hưng Lợi Tây, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất ấu an toàn.

Để gia tăng giá trị cho củ ấu, nhằm bảo đảm ấu phát triển tốt, Tổ hợp tác thường xuyên phối hợp với các ngành hướng dẫn quy trình sản xuất phù hợp thời vụ. Nhờ đó, cây ấu luôn đạt năng suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn về kích cỡ nên bán được giá cao.

Nhằm góp phần khẳng định thương hiệu và mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm ấu, địa phương đã phối hợp các ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời vận động các ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất ấu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân liên kết sản xuất; tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến...

Nhiều đơn vị kinh doanh đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ ấu. Một số đơn vị đã thành công với việc bảo quản sản phẩm củ ấu tươi, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Với sản phẩm chế biến từ củ ấu, một số đơn vị thành công phát triển các sản phẩm đang được thị trường đánh giá cao như: ấu ăn liền, sữa ấu, bột sữa củ ấu uống liền, bột ấu bánh canh. Đồng thời phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới được chế biến từ củ ấu như: snack củ ấu, nui, hủ tiếu, cháo ăn liền... Các sản phẩm này đã chinh phục được  thị trường trong cả nước và được định hướng xuất khẩu.

Một số đơn vị định hướng việc kinh doanh lâu dài bằng các sản phẩm ấu được chế biến, đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn không hóa chất, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn củ ấu thành phẩm/tháng.

Phát triển cây ấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, một số đơn vị khác cũng đã tận dụng phế phẩm từ củ ấu để làm phân hữu cơ cho các loại cây trồng khác.

Các đơn vị kinh doanh cũng có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, liên kết bao tiêu nguyên liệu với các hộ dân trồng củ ấu. Mô hình sản xuất củ ấu tươi tách vỏ hướng tới mục đích tận dụng và nâng cao giá trị nguồn nông sản địa phương tại tỉnh Đồng Tháp, góp phần làm tăng giá trị củ ấu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Thời gian qua, huyện Lấp Vò đã triển khai nhiều chương trình xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu cho củ ấu. Sản phẩm nông sản này cũng được đăng ký vào Chương trình xây dựng nhãn hiệu một số nông sản đặc thù của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.

Trong thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu hỗ trợ địa phương đầu tư khép kín ô bao trồng ấu với diện tích phù hợp để hướng đến sản xuất tập trung, tạo thuận lợi trong việc tổ chức, quản lý; đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn về cây ấu để giới thiệu cho người dân áp dụng.

Hỗ trợ các địa phương trồng ấu thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác trồng ấu, khi đủ điều kiện sẽ thành lập hợp tác xã trồng ấu để thuận lợi trong tổ chức sản xuất và liên kết cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm ấu, tìm hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; hỗ trợ thúc đẩy phát triển chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ củ ấu và hướng đến trở thành sản phẩm OCOP, từng bước thực hiện phát triển chuỗi giá trị ấu.

Duy Tuấn

Liên kết website