Mô hình trồng na trái vụ trên địa bàn xã Phú Long, Nho Quan, Ninh Bình phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật, cây na có đầu ra khá ổn định. Sản phẩm na đã được công nhận OCOP 4 sao, giúp người dân yên tâm phát triển trồng na.
Phú Long có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi để phát triển mô hình trồng na dai. Tuy nhiên, phương thức sản xuất cũ khiến cây na trên địa bàn chỉ cho thu hoạch 1 vụ trong năm, hiệu quả kinh tế chưa cao. Mỗi ha có thể trồng được 750 - 800 cây na. Trung bình mỗi ha trồng na dai đạt sản lượng 10 tấn/ha/năm, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu đến 12 -15 tấn/ha.
Những năm gần đây, nhờ áp dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo, cắt tỉa cành theo quy trình kỹ thuật, cây na ra nhiều quả hơn, sản lượng thu hoạch tại các vườn tăng đáng kể. Sau nhiều năm canh tác, kỹ thuật trồng na của người dân ngày càng được nâng lên, quả na to, mẫu mã đẹp, năng suất na tăng lên rõ rệt.
Đặc biệt, nhờ thực hiện ép vườn na cho quả liên tục, năng suất quả na tăng gấp đôi so với thông thường. Thời điểm thu hoạch na chính vụ là từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na trái vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12 (dương lịch). Mô hình trồng na trái vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hợp tác xã trồng na sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 50 ha, khoảng 50 hộ tham gia. Trồng na theo quy trình VietGap loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai (được xử lý vi sinh đúng quy trình kỹ thuật) đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm làm ra được một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh bao tiêu một phần đầu ra.
Nhận thấy cây na là cây trồng mang lại lợi nhuận cao, người dân đã đầu tư khoan giếng để chủ động nguồn nước, lắp đặt hệ thống tưới tự động, phân khu canh tác, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thời tiết thuận lợi nên cây na ngày càng cho năng suất cao.
So với các cây trồng truyền thống, cây na dai trái vụ đang cho thấy những ưu điểm vượt trội như dễ chăm sóc, một năm cho thu hoạch 2 lần, giá trị kinh tế ổn định, dễ tiêu thụ.
Đặc biệt cây na ở đây cho thu hoạch nhiều năm mà vẫn cho năng suất cao như các năm trước đó, thậm chí có những cây thu đến 20 năm mà vẫn chưa phải trồng lại. Từ khi áp dụng phương pháp tự thụ phấn cho hoa, na trồng sai và đều quả hơn. Không chỉ thu hoạch na chính vụ, mà giờ đây người dân trong xã còn thu hoạch na trái vụ giúp tránh được tình trạng được mùa mất giá, giá trái vụ lại cao hơn so với chính vụ.
Na trồng ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Cây na đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Phú Long. Xã Phú Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình trồng na trái vụ cùng với các cây trồng chủ lực khác như dứa, mía… Đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu “na dai Phú Long” thành nông sản thế mạnh của huyện.
Để hoàn thành mục tiêu, xã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thông qua các hoạt động hỗ trợ tổ hợp tác, các hộ dân tìm kiếm thị trường, phát triển bao bì, nhãn mác… để tăng tính nhận diện, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hội nông dân xã cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp uy tín thực hiện cung ứng phân bón, tổ chức hướng dẫn, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người trồng na, xây dựng mô hình trình diễn điểm… để tạo thuận lợi cho người dân phát triển vùng trồng na. Cây na cho hiệu quả kinh tế cao và đầu ra khá ổn định, nhất là từ khi sản phẩm na đã được công nhận OCOP 4 sao.
Huyện Nho Quan đã từng bước đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, góp phần để ngành nông nghiệp Ninh Bình tiếp tục có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất, hiện đại hoá ngành nông nghiệp theo chiều sâu, tận dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng nông sản đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đỗ Tuyến