Chủ Nhật, 11/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Huyện Tân Phước - Tiền Giang: Mô hình sản xuất chuyên canh khóm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhờ chú trọng đến công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, đến nay huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, toàn huyện đã xây dựng được vùng trồng khóm chuyên canh trên 15.000 ha, trong đó gần 14.000 ha đang cho trái. Lợi ích kinh tế mà cây khóm mang lại cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phước khá cao và ổn định. Do đó, cây khóm đang được xem là cây trồng chủ lực trên mảnh đất “rốn phèn, rốn lũ” Tân Phước.

Vùng chuyên canh trái khóm Tân Phước

Điều kiện thổ nhưỡng huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang không được thuận lợi, bởi đây là vùng đất ngập phèn, khó canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ sự cần cù lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân trên địa bàn huyện Tân Phước đã trồng và xử lý trái khóm đạt năng suất, chất lượng cao. Cây khóm được trồng trên mảnh đất Tân Phước cho sản lượng cao, hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt thanh, ít chua, trái không quá to, mắt khóm đều. Thời gian thu hoạch khóm 3 vụ/năm, sản lượng bình quân khoảng 15 tấn/ha, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phước. 

Trước đây, trái khóm được trồng rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạch Mỹ, Hưng Thạch … thì nay, trái khóm được trồng hầu hết tại các xã, thị trấn trong huyện. Hiện huyện Tân Phước là một trong các địa phương có diện tích trồng khóm lớn nhất cả nước. Theo số liệu thống kê của huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), diện tích trồng khóm trên địa bàn huyện đạt 15.700 ha, sản lượng 287.000 tấn/năm. Với nguồn cung khóm dồi dào, trái khóm Tân Phước ngoài tiêu thụ tươi còn là nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Mô hình sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nông dân trên địa bàn huyện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

Để sản xuất tập trung, đảm bảo chất lượng và đầu ra ổn định, huyện Tân Phước có 9 Hợp tác xã và 143 tổ hợp tác hoạt động. Các Hợp tác xã tập trung hỗ trợ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên. Đồng thời, các Hợp tác xã cũng nghiên cứu giống khóm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng tại ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2 được tỉnh Tiền Giang chọn làm Hợp tác xã điểm. Tỉnh đã hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng các trang thiết bị hiện đại để xây dựng mô hình sản xuất khóm và nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGap.

Việc trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất tăng, quả to hơn, đạt chất lượng để các doanh nghiệp sử dụng làm sản phẩm đóng hộp xuất khẩu. Từ sản xuất thủ công với năng suất khóm của Hợp tác xã Quyết Thắng đạt 1,3 - 1,4 tấn/1.000m2/năm, nay nhờ ứng dụng quy trình VietGAP, năng suất khóm của HTX tăng hơn từ 1,8 - 2 tấn/1.000 m2/năm.

Nguồn cung khóm dồi dào, sản phẩm của Hợp tác xã Quyết Thắng hiện đã được cung cấp cho nhiều đơn vị thu mua. Nhờ hiệu quả mô hình sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGap, Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khu vực III - Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy trình VietGAP cho cây Khóm Tân Lập nói chung, Hợp tác xã Quyết Thắng nói riêng.

Huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ khóm

Để đầu ra ổn định và giúp nâng cao giá trị sản phẩm khóm, huyện Tân Phước đã đa dạng hóa nhiều sản phẩm chế biến với nhiều mẫu mã, thương hiệu và đảm bảo chất lượng thơm ngon, gồm: các loại mứt khóm, bánh kẹo khóm, nước ép từ khóm.

Kẹo khóm (mứt khóm) Tân Phước là một trong những đặc sản nổi tiếng thơm ngon của huyện Tân Phước. Kẹo khóm được chế biến từ trái khóm, sản xuất trên đất phèn chua Tân Phước. Kẹo khóm Tân Phước có vị chua chua, ngọt ngọt, có vị thơm béo của đậu phộng, mè, vỏ tắc, vị the the của gừng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ khóm của huyện Tân Phước trong và ngoài nước. Đặc biệt, Công ty Quốc Bảo ở tỉnh Vĩnh Long đã thu mua sản phẩm khóm có chất lượng tốt để chế biến dưới dạng đồ hộp, xuất khẩu sang các siêu thị của Việt Nam tại Mỹ. Đây được coi là cơ hội cho sản phẩm khóm Tân Phước nâng cao giá trị kinh tế và đầu ra ổn định, bền vững. Sản xuất kẹo khóm đã trở thành làng nghề đặc trưng của huyện Tân Phước. Nhờ có nghề sản xuất kẹo khóm đã tạo công ăn, việc làm, tăng nguồn thu nhập cho bà con huyện Tân Phước.

Sản phẩm kẹo khóm huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang

Định hướng phát triển khóm Tân Phước trong thời gian tới

Hiện trái khóm Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm. Từ đó, giảm được nguy cơ trúng mùa, mất giá do mất cân đối cung cầu thị trường nông sản. Đầu ra cho sản phẩm khóm khá ổn định nhờ mạng lưới thu mua, tiêu thụ trái khóm được mở rộng gắn với sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của vùng chuyên canh. Hiện toàn huyện có mạng lưới 08 hợp tác xã liên kết thu mua, tiêu thụ khóm cho nông dân. Đồng thời, có 19 vựa thu mua cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước hoặc doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đảm bảo đầu ra cho trái khóm khi đến kỳ thu hoạch. Huyện Tân Phước hướng đến chế biến khóm chuyên sâu, nâng cao giá trị cho sản phẩm nhằm đa dạng hóa sản phẩm và hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Như vậy có thể thấy, mô hình sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGap đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phước. Do đó, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng định hình vùng sản xuất chuyên canh, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng cho trái khóm.

Duy Tuấn

Liên kết website