Chủ Nhật, 27/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Lào Cai: Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ củ sâm đất nhằm hướng đến xuất khẩu

Cây sâm đất là sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm chế biến từ củ sâm đất được thị trường rất ưa chuộng. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai hướng đến xuất khẩu sản phẩm chế biến từ sâm nhằm giúp đầu ra ổn định và nâng cao giá trị kinh tế.

Củ sâm đất (hay còn gọi là khoai sâm, củ Hoàng Sin Cô hay địa tàng thiên), có nguồn gốc từ Trung Quốc. Củ sâm đất được trồng ở nơi núi cao (độ cao từ 1.500m trở lên so với mức nước biển), không khí lạnh, đất pha cát mới có giá trị dinh dưỡng. Qua thời gian trồng thử nghiệm từ năm 2013 tại xã Y Tý huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, củ sâm đất cho vị ngọt, mát, dễ ăn, tốt cho sức khỏe và giá cả phải chăng. Do đó, củ sâm đất Lào Cai ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Củ sâm đất tỉnh Lào Cai cho giá trị dinh dưỡng cao

Thời gian thu hoạch củ sâm đất vào tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Theo các tài liệu nghiên cứu, củ sâm đất có hàm lượng saponin rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Củ sâm đất có tác dụng giải nhiệt, giải rượu, nhuận tràng, tốt cho người tiểu đường và béo phì. Sâm đất có thể ăn sống như món tráng miệng, bổ sung nước giúp thanh lọc cơ thể, làm đẹp da hoặc có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ngoài ra, củ sâm đất có thể thái lát ăn lẩu, nấu canh, ép nước hay làm nguyên liệu nấu các món ăn như: canh củ sâm đất, mứt sâm đất, sâm đất xào thịt bò, nộm khoai sâm đất …

Củ sâm đất tập trung trồng chủ yếu ở 4 xã Y Tý, A Lù, Trịnh Tường, Ngải Thầu. Trong vài năm gần đây, diện tích trồng sâm đất được mở rộng ra các thôn Ngải Chồ, Lao Chải, Tả Dì Thàng, Choản Thèn, Mò Phú Chải. Diện tích trồng sâm đất trên địa bàn xã Y Tý là 16 ha, cây phát triển tốt, thu hoạch 1 – 1,2 kg/củ.

Đa dạng hóa sản phẩm từ củ sâm đất mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân tỉnh Lào Cai

Nhờ giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe, giá cả phải chăng, đầu ra củ sâm đất khá ổn định. Mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, củ sâm đất được thương lái đến tận ruộng thu mua và được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để nâng cao giá trị cho củ sâm đất, Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát đã tạo điều kiện cho các Công ty khảo nghiệm vùng nguyên liệu nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ củ sâm đất. Theo đó, Công ty TNHH Long Hải và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm sâm Fansipan. Theo đó, toàn bộ sản phẩm sâm được Công ty TNHH Long Hải đưa vào chế biến thành nước rong biển ép Catalia vị sâm Fansipan. Công ty TNHH Long Hải cho ra thị trường 2 sản phẩm nước uống đóng chai Kamila và Catalia. Đây là sản phẩm đồ uống không cồn, không phụ gia, có tác dụng giải khát và bổ dưỡng cho cơ thể.

Củ sâm đất Lào Cai còn được sấy khô. Tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát đã có nhà máy sơ chế củ sâm. Công suất thiết kế của dây chuyền này lên đến 10 tấn củ/mẻ. Củ được làm sạch, loại vỏ, thái miếng và sấy khô. Đây là dây chuyền sấy khô lạnh, giúp bảo quản gần như 100% tinh chất của củ sâm. Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết đầu ra cho nông sản và thiết lập hệ thống chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững tại huyện Bát Xát. Theo Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát, trong thời gian tới, sản phẩm của nhà máy hướng tới chế biến sâu nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, hướng đến xuất khẩu.

Nhờ lợi ích kinh tế mang lại, củ sâm đất được tỉnh Lào Cai định hướng phát triển, mở rộng diện tích, liên kết bao tiêu sản phẩm, gắn với chế biến, tiêu thụ, tạo thành sản phẩm OCOP.

Miến đao sâm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Nhiều sản phẩm chế biến từ củ sâm đất của tỉnh Lào Cai được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Hợp tác xã Minh Phúc, huyện Bát Xát là một trong doanh nghiệp đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chế biến từ củ sâm đất.

Nhận thấy tiềm năng phát triển sản phẩm chế biến từ củ sâm đất rất lớn, Hợp tác xã Minh Phúc đã tìm cách kết hợp cây đao riềng và sâm đất để chế biến thành công sản phẩm miến đao sâm.

Miến đao sâm tỉnh Lào Cai

Hợp tác xã Minh Phúc đã liên kết với các hộ dân tại xã Cốc Mỳ, A Lù, Dền Thàng, Y Tý, huyện Bát Xát trồng, chăm sóc theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Để chinh phục thị trường, hợp tác xã sản xuất sản phẩm sạch từ khâu liên kết với người trồng đến sản xuất tinh bột, ngâm ủ bột, tráng miến, phơi miến và đóng gói sản phẩm.

Định hướng thời gian tới, hợp tác xã Minh Phúc sẽ tiếp tục nâng cấp các hoạt động sản xuất nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu. Hợp tác xã Minh Phúc đã lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây sâm đất nhằm ổn định nguồn cung. Bên cạnh đó, hợp tác xã từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến đao sâm.

Minh Thu

Liên kết website