Thứ Sáu, 24/01/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Thơm lừng hương quế Trà My

Cây quế đã vượt ra khỏi lãnh địa, trở thành dược liệu quý hiếm, được xếp vào 4 vị có giá trị là: sâm, nhung, quế, phụ. Quế là vị thuốc có tính dương, bồi bổ, chữa trị các bệnh về đường tiêu hóa, tuần hoàn và hô hấp. 

Từ xa xưa, đồng bào đã biết sử dụng loài cây này để chữa trị bệnh. Khi khoa học phát triển, quế được sử dụng trong công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi. Thế giới biết đến quế như một đặc sản, một dược liệu quý hiếm. Trải qua hàng trăm năm kinh nghiệm của các thầy thuốc Đông Y cũng như các nhà khoa học, đã khẳng định và công nhận cây quế mọc ở vùng Trà My, Tiên Phước tỉnh Quảng Nam là loại quế có những tính năng vượt trội so với những loại quế ở vùng khác và được ví với cái tên rất cao quí: “Cao sơn ngọc quế”.

Chỉ dẫn địa lý 'Trà My' cho cây quế vỏ Quảng Nam - MVietQ

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây quế còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa – cây quế còn đóng góp vào định canh - đinh cư , xoá đói giảm nghèo tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân miền núi nước ta.

Những năm 1980-1985, cây quế Trà My bản địa cho lợi nhuận rất cao, 1kg quế khô có giá khoảng 1 chỉ vàng. Nhưng từ năm 1985 đến nay, nhiều đơn vị đã tiến hành ươm cây quế Bắc (giống quế từ Bắc du nhập vào Quảng Nam) bán cho dân, khiến chất lượng cây quế bị giảm sút, ảnh hưởng đến thương hiệu cây quế gốc... Cái giá đắt vùng quế phải trả là danh tiếng và giá trị của quế Trà My không còn được coi trọng và gìn giữ đúng mức. Hậu quả, nhiều diện tích quế bản địa đã nhường chỗ cho những giống quế bên ngoài có chất lượng thấp. Giá trị cây quế Trà My đã không được đánh giá đúng mức, lẫn lộn với nhiều loại quế khác trên thị trường; giá quế giảm sút, đời sống đồng bào trồng quế gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, vào tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm quế Trà My (Quảng Nam). Đây là một tín hiệu đáng mừng với người trồng quế, là điều kiện thuận lợi để người trồng quế ở Trà My có thể quảng bá sản phẩm cây kinh tế đã bao đời mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân bản địa đến bạn bè quốc tế. Nay người Trà My có thể tự hào với sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương mình.

Quế - thuốc trị nhiều bệnh

Cây Quế Trà My có nguồn gốc là quế mọc hoang trong rừng, từ rất lâu đã được đồng bào người Ca-Dong, Mơ Nông mang về trồng trong vườn nhà, mỗi gia đình lúc đầu chỉ có một vài cây, sau đó đã phát triển thành các vườn quế, đồi quế và rừng quế. Sau khi trồng 7 – 8 năm, quế mới ra hoa, kết quả. Các bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có chứa tinh dầu, đặc biệt trong vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nhất, có khi đạt từ 6 – 8 %.

Quế là nguồn dược liệu quý giá có tác dụng kích thích làm tăng sự tuần hoàn máu, gây co mạch, tăng bài tiết, gây co bóp tử cung, sát trùng, chữa đau bụng… và dùng chữa viêm khớp, tiểu đường, giảm cholesterol, bệnh nhức đầu, cảm ho, đau họng, sâu răng.

Tinh dầu quế còn dùng xoa bóp vùng đau, bầm tím do chấn thương, dùng đánh gió khi bị cảm mạo. Kinh nghiệm dân gian đồng bào Co, Ca-Dong, Xê-Đăng ở Trà My khi gặp những bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, trúng gió… thì dùng vỏ quế mài trong nước, uống vào giúp bệnh thuyên giảm. Ngoài ra, quế còn được dùng làm đồ gia vị ướp hoặc hòa trộn để tạo hương các món ăn, kem, bánh...

Nguồn: moit.gov.vn

Link nguồn

Liên kết website