Ở Việt Nam, dưa hấu được trồng khắp tất cả các vùng miền, đặc biệt đây là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Trong đó, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất cả nước, khoảng 800 ha, diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tập trung chủ yếu tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức; Sơn Tịnh; Đức Phổ ...
Dưa hấu huyện Bình Sơn nhiều nước, có vị đặc trưng
Huyện Bình Sơn là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với 417 ha, cho sản lượng đạt 270 – 280 tạ/ha. Với năng suất và giá bán ổn định từ 7.500 – 8.500 đồng/kg, người trồng dưa trên địa bàn huyện thu lãi từ 17 – 20 triệu đồng/sào. Trên địa bàn huyện, dưa hấu được sản xuất tập trung tại các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa như: Bình An, Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Thạnh, Bình Hiệp, Bình Trị, Bình Thanh, Bình Hải.
Mặc dù diện tích sản xuất lớn, song 80% sản lượng dưa hấu chủ yếu được tiêu dùng nội địa, 20% phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Do đó, trị giá xuất khẩu dưa hấu chiếm tỷ trọng khá thấp trong cơ cấu các mặt hàng rau củ quả và sản phẩm chế biến của nước ta. Để nâng cao giá trị cho trái dưa hấu, ngành rau quả Việt Nam có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu loại trái cây này trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Bên cạnh việc duy trì tốc độ xuất khẩu trái dưa hấu tươi sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ dưa hấu. Các thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm chế biến từ dưa hấu gồm: Hàn Quốc, UAE, Mỹ, Nhật Bản, thị trường Đài Loan, thị trường Hồng Kông ...
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, nước ép) đạt 2,18 triệu USD, tăng 78,5% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, nước ép) đạt 49,83 triệu USD, tăng 130,4% so với cùng kỳ năm 2022, tỷ trọng chiếm 1,86% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng dưa hấu, chiếm tỷ trọng 88,12 tổng kim ngạch trong 6 tháng đầu năm 2023.
Với tốc độ xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, triển vọng xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sẽ rất khả quan trong thời gian tới. Do vụ thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến khoảng tháng 9 hàng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam, vì vậy thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Điều này sẽ tác động tích cực lên ngành sản xuất dưa hấu nước ta, đặc biệt là các địa phương trồng dưa hấu thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa như: Bình An, Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Thạnh, Bình Hiệp, Bình Trị, Bình Thanh, Bình Hải thuộc huyện Bình Sơn; các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Giang, Tịnh Hà, Tịnh Thọ, Tịnh Trà… thuộc huyện Tịnh Sơn tỉnh Quảng Ngãi.
Việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu dưa hấu từ Việt Nam, trong khi giảm nhập khẩu từ Myanmar cho thấy trái dưa hấu của nước ta đã đáp ứng được yêu cầu từ phía nước bạn. Mặc dù vậy, sản lượng sản xuất dưa hấu của Trung Quốc khá lớn, đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu thụ nội địa nên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu dưa hấu cần chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong Danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với cơ quan quản lý để được hướng dẫn cụ thể.
Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”
Huyền Trần