An Giang được biết đến là vùng đất có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, hiện nay tỉnh có 34 làng nghề trong đó có 25 làng nghề được công nhận. Đây là những tiềm năng để phát triển, thu hút khách du lịch.
Một số làng nghề tiêu biểu:
Làng nghề đường thốt nốt An Phú huyện Tịnh Biên
Huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vẫn giữ gìn nghề làm đường thốt nốt An Phú truyền thống. Những sản phẩm từ cây thốt nốt được người dân nơi đây tận dụng để phát triển thành đặc sản trứ danh, trong đó nghề khai thác nước, nấu đường thốt nốt giúp người dân có thu nhập ổn định.
Thời vụ khai thác nước và nấu đường thốt nốt bắt đầu từ tháng 11 (âm lịch), kéo dài khoảng 6 tháng, nếu thời tiết hanh khô còn có thể thu hoạch thêm 2 tháng. Trong đó, thời gian sau Tết Nguyên đán là lúc nước thốt nốt có trữ lượng đường cao và đạt chất lượng ngon nhất. Người dân vẫn giữ tập quán sử dụng vỏ cây sến để bảo quản, tránh cho nước thốt nốt không bị chua, hư hỏng. Nhờ vậy, tạo ra được sản phẩm đường thốt nốt an toàn, nên dù bán với giá cao hơn thị trường vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.
Việc khai thác và chế biến đường thốt nốt không chỉ là công việc truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer mà được xây dựng thành sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của vùng Bảy Núi Tịnh Biên. Bên cạnh việc thành lập làng nghề ở huyện Tịnh Biên, đồng bào Khmer còn được tập huấn kỹ thuật khai thác nước, chế biến và sản xuất đường thốt nốt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; được hỗ trợ vốn, thiết bị khai thác và nấu đường.
Thời gian qua, đường thốt nốt của huyện Tịnh Biên An Giang được hỗ trợ quảng bá phát triển thành sản phẩm OCOP. Đây là cơ sở giúp người dân giữ gìn và gắn bó với nghề truyền thống, vừa có được kinh tế ổn định cho gia đình, vừa góp phần lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Thốt nốt có tuổi thọ rất cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm tăng thêm và có trữ lượng đường cao.
Hiện nay đường thốt nốt của làng nghề An Phú Tịnh Biên đã có mặt ở các siêu thị Hà Nội, khu du lịch Hội An, Đà Nẵng, siêu thị Maximark, Coop - mark, siêu thị Phú Lâm ở TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, đường thốt nốt của làng nghề An Phú Tịnh Biên còn được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia.
Làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong
Làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong của người Chăm đã nổi tiếng vang danh ở vùng đất Bảy núi An Giang. Các sản phẩm thổ cẩm ở đây đặc biệt có nét riêng vì sử dụng kỹ thuật nhuộm màu bằng các loại vỏ trái cây, mủ cây và cây.
Thổ cẩm có nhiều hoa văn và màu sắc đẹp mắt nên rất được ưa chuộng. Thổ cẩm ở đây không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu.
Sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm rất đa dạng và phong phú, xuất hiện khắp nơi trong đời sống hàng ngày, từ chiếc váy mặc đi dạ hội của người phụ nữ đến chiếc xà-rông của người đàn ông, áo và khăn đội đầu, nón, túi xách, túi thơm, móc khóa, ba-lô... Những sản phẩm này được trang trí màu sắc, hoa văn, họa tiết rất sặc sỡ. Các hoa văn, họa tiết được nghệ nhân trong làng dệt trên tấm vải với nhiều hình ảnh khác nhau, như: Hình ảnh con thoi, răng cưa, lồng đèn, ô vuông, kẻ sọc… Các tấm vải này được may thành các sản phẩm khác nhau để mặc, đội và bán.
Hình ảnh: Sản phẩm dệt của đồng bào Chăm - Châu Phong
Để bảo tồn và phát triển làng nghề, từ năm 2011, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ làng nghề, từ hỗ trợ vốn để thay đổi công nghệ, máy móc, đến hỗ trợ tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm; tổ chức cho các chủ cơ sở đi tham quan, nghiên cứu học tập ở các địa phương khác có làng nghề, sản xuất ra sản phẩm cùng loại để học tập, rút kinh nghiệm.
Giai đoạn 2020-2025, Phòng Kinh tế huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ và lập dự án xin hỗ trợ của UBND tỉnh An Giang về ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.
Làng dệt thổ cẩm Châu Phong là một làng nghề truyền thống cần được lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Vì nơi đây ẩn chứa nét văn hóa độc của người dân làng nghề nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Trong các sản phẩm dệt ở Châu Phong, có thể thấy và cảm nhận những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm với các đường nét lạ, độc đáo. Năm 2022, cả làng dệt được 1.800 m sản phẩm thổ cẩm; 3.500 m khăn choàng tắm, xà-rông; 7.700 bộ lễ phục nam, nữ; 3.500 sản phẩm hàng lưu niệm...
Với đồng bào Chăm ở tỉnh An Giang, thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc trưng. Dù đã qua nhiều thăng trầm, ở làng nghề thổ cẩm Châu Phong, bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm vẫn luôn được gìn giữ.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Chăm và tăng trưởng kinh tế nông thôn.
Thúy Hà
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”