Hiện nay, cả nước có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có rất nhiều làng nghề mây tre có truyền thống lâu đời, có thể kể đến như: Làng nghề mây tre đan Bao La thuộc Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế đã có từ lâu đời trên 600 năm; Làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa đã có truyền thống hàng trăm năm; Làng nghề mây tre đan Đỗ Xuyên thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ nổi tiếng với nghề thủ công có từ lâu đời.
Một số hình ảnh sản phảm mây tre xuất khẩu
Hiện nay, sản phẩm mây, tre, cói và các sản phẩm tết bện khác được tiêu thụ cả trong trong nước và xuất khẩu; nhưng xuất khẩu được các doanh nghiệp chú trọng hơn. Các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
Từ đầu năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, xuất khẩu sản phẩm mây tre đan của Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt là tới 2 thị trường truyền thống là Mỹ và EU. Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng mây tre đan của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 32,485 triệu USD, giảm 40,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tre đan đạt 20,57 triệu USD, giảm 41,1% so với cùng kỳ năm 2022; mây đan đạt 11,91 triệu USD, giảm 39,9%.
Sản phẩm mây tre Việt Nam đang phải phải cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Mỹ. Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, những thị trường cung cấp nhiều nhất sản phẩm mây tre cho nước này là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Philippin, Indonesia, Mexico. Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp nhiều nhất, nhưng tỷ trọng đã giảm mạnh trong thời gian qua, từ mức 61,56% trong năm 2015, giảm mạnh xuống mức 37,56% trong năm 2022 và trong 3 tháng đầu năm 2023 còn 33,27%. Để thay thế các sản phẩm mây tre từ Trung Quốc, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Mexico… Trong đó, đáng chú ý, tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ tăng mạnh, và trong giai đoạn 2019 – 2021 Ấn Độ đã đứng thứ 2 trong số các thị trường cung cấp mây tre cho Mỹ. Đến năm 2022, tỷ trọng nhập khẩu mây tre của Mỹ từ Ấn Độ giảm xuống 16,8% - đứng sau Trung Quốc và Việt Nam.
Giai đoạn trước năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 2 các sản phẩm mây tre cho Mỹ. Giai đoạn 2019 – 2021, nhập khẩu mây tre của Mỹ từ Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, nhưng tốc độ thấp hơn nhập khẩu từ Ấn Độ nên Việt Nam xếp ở vị trí nhà cung cấp lớn thứ 3 cho thị trường này, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2022, nhập khẩu mây tre của Mỹ từ Ấn Độ giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, nên Việt Nam đã lấy lại vị trí thứ 2. Trong 3 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu mây tre của Mỹ từ Việt Nam và Ấn Độ đều giảm, và tỷ trọng ở mức gần tương đương, lần lượt ở mức 18,12% và 18,29%.
Để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, sản phẩm mây tre đan cần phải tuân theo những luật lệ và quy định như: Quy định của Bộ Nông nghiệp (USDA) về giám định xác xuất hàng tại cảng đến các quy định về nhập khẩu và kiểm dịch; Luật liên bang về sâu bệnh ở cây (FPPA); Luật kiểm dịch thực vật (PQA).
Phạm ĐỊnh
Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”