Chuối là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả Việt Nam, những năm qua diện tích trồng chuối của Việt Nam không ngừng tăng nhanh. Theo thống kê, hiện nay cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với 154.180 ha diện tích trồng chuối. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước, chiếm 8,5% diện tích trồng chuối trong cả nước, chiếm đến 71% diện tích trồng chuối của khu vực Đông Nam Bộ. Toàn tỉnh có 30 vùng trồng được phê duyệt, với diện tích 5.669 ha (chiếm tỷ lệ 43 % diện tích trồng chuối địa bàn) và 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.
Chuối là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh có diện tích trồng chuối lớn nhất cả nước, khoảng 10,6 nghìn ha. Đây cũng là một trong số ít các loại cây ăn quả có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500 ha. Diện tích cây chuối ở Đồng Nai tập trung nhiều ở các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, năng suất trung bình khoảng 40 đến 45 tấn/ha, sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm, trong số này, hơn 80% là để xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia.
Tuy đã xuất khẩu được chính ngạch nhưng đa số sang thị trường Trung Quốc, còn những thị trường khác lại xuất khẩu ít, điều này khiến trái chuối xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Hình ảnh vườn chuối chuẩn bị xuất khẩu
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm 2023 tổng sản lượng chuối xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 121 nghìn tấn, giá trị 1.449 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2024 xuất khẩu đạt khoảng 200 nghìn tấn.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên trong phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ...”. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nông sản thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản.
Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh về nông, lâm nghiệp với diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo định hướng, Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây trồng mang tính chủ lực để phục vụ xuất khẩu như: cà phê, hồ tiêu, chanh dây, rau, hoa, cây dược liệu. Chuối là loại cây trồng rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai, hiện có diện tích 8.500 ha trồng chuối, một loại cây trồng mới rất có tiềm năng. Chuối đang được kỳ vọng sẽ là một sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu mới đầy tiềm năng của Gia Lai. Việc đưa cây chuối vào danh mục các giống cây trồng xuất khẩu chủ lực được xem là một bước đi mạnh dạn của Gia Lai và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Gia Lai đã nghiên cứu đưa vào trồng giống chuối tiêu hồng có nguồn gốc Nam Mỹ và đã nhanh chóng gặt hái được thành công. Tỉnh Gia Lai đầu tư trồng chuối theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Dự báo về thị trường chuối trong thời gian tới, dự kiến cuối năm giá chuối sẽ tăng khi Trung Quốc tăng cường thu mua tích trữ, do nguồn cung cấp tại các vùng trồng đang giảm dần, trong khi đó sức mua tại thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao. Dự báo, năm 2024 xuất khẩu chuối đạt khoảng 350 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt khoảng 247 triệu USD, tăng 1,2% so với năm 2023.
Ngọc Điệp
Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”