Các vùng trồng cây bưởi ở Thừa Thiên – Huế dần phát huy hiệu quả như: thanh trà với diện tích 127ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 450 – 500 tấn/năm, thu nhập từ 20 – 25 tỷ đồng/năm. Bưởi đỏ Hồ Hương với diện tích 67ha, thu hoạch khoảng từ 9 – 10 tỷ đồng/năm. Do đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng thanh trà, bưởi đỏ Hồ Hương, đồng thời tiếp tục đầu tư và đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ các hộ gia đình, các địa phương canh tác theo hướng sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP để trong thời gian tới thanh trà và bưởi đỏ xứ Huế vươn lên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ở Huế có cả bưởi và Thanh trà, vỏ của 2 loại này gần giống nhau, nhưng ruột thì khác nhau, nhất là mùi vị. Thanh trà có những đặc điểm khá dễ nhận biết. Trái không to và nặng như bưởi nơi khác, da màu vàng nắng chứ không xanh, từ trên cuống xuống tận cùng to dần lên rất hài hòa. Trái thanh trà tép không to, trắng ngà, dù có bổ đứt tép bưởi, nước vẫn không tứa ra (vì nước ít), vị ngọt thanh, độ ráo vừa phải, róc vỏ và không có dư vị đắng khi uống nước sau khi ăn...
Bưởi thanh trà
Cây bưởi thanh trà được xem là một trong những đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng cho thu hoạch lứa đầu, thu nhập bình quân lên đến 200 – 250 triệu đồng/ha, giúp phát triển kinh tế của tỉnh và nâng cao đời sống của người dân. Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, ẩm thực từ thanh trà cũng rất đa dạng, phong phú như rượu, nem thanh trà, mực khô thanh trà… Món ăn từ thanh trà được biết đến với vị bùi ngọt, dịu mát tốt cho sức khỏe nên được ưa chuộng... Với những giá trị đó, bưởi thanh trà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế”. Thanh trà Huế cũng đã xác lập kỷ lục, được ghi vào danh sách top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Thanh Trà – một trong những loại đặc sản dùng để dâng vua
Thanh trà hay còn gọi là bưởi thanh trà là một trong những cây ăn quả đặc sản có múi, chất lượng ngon, có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao đã được trồng ở một số địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở Huế, cây bưởi thanh trà thường được trồng tập trung chủ yếu những vùng phù sa, ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương… nhưng có lẽ khi nhắc đến “Thanh trà Huế” người ta thường nhắc đến thanh trà Thủy Biều.
Phường Thủy Biều nằm ven bờ sông Hương ở phía Tây Nam thành phố Huế. Do ở địa thế đặc biệt, Thủy Biều luôn được một lượng lớn phù sa của sông Hương bồi đắp hàng năm. Chính sự kết tinh từ những hạt phù sa màu mỡ này đã làm cho quả thanh trà ở đây có vị ngọt mà không nơi nào có được. Có lẽ vì thế mà cái danh “thanh trà Thủy Biều” từ lâu đã nổi tiếng khắp đất Huế và cả xứ miền Trung.
Theo sử sách của nhà Nguyễn để lại, bưởi Thanh Trà Huế được lưu truyền trong văn hóa dân gian từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), vị Chúa Nguyễn đời thứ 6, một vị chúa giỏi nhà Nguyễn có nhiều công đức với dân và đất phương Nam. Chúa Nguyễn trong một lần du thuyền trên sông Hương chợt nhìn thấy có một vùng cây trái bưởi thanh trà xanh mướt ven sông, sum suê, hữu tình, Chúa truyền ghé thăm nơi đó là làng Nguyệt Biều, Lương Quán. Dân làng hái bưởi Thanh Trà dâng chúa thưởng thức, chúa ăn tấm tắc khen ngon và lệnh cho dân làng mở rộng trồng thêm. Từ đó, cứ vào giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, trái bưởi Thanh Trà chín rộ, dân làng Lương Quán lại chọn ra những quả ngon nhất mang vào kinh thành tiến vua chúa để được ban thưởng. Thanh trà Thủy Biều sau đó trở thành đặc sản.
Ngày nay Bưởi Thanh Trà Thủy Biều thuộc top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, là một trong năm đặc sản Thừa Thiên Huế xác lập kỷ lục châu Á. Và mặc dù cây bưởi thanh trà sau này được trồng ở rất nhiều nơi nhưng ngon nhất vẫn là Thanh Trà trồng trên đất Thủy Biều (thành phố Huế).
Thừa Thiên – Huế khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây thanh trà
Hiện nay, diện tích bưởi Thanh trà toàn tỉnh có gần 1.200 ha, chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Trong đó, riêng xã Thủy Biều (thành phố Huế) 147 ha đất để trồng thanh trà, với khoảng hơn 1.000 hộ dân theo nghề, tập trung ở các thôn: Lương Quán, Trung Thượng, Đông Phước. Hiện có 140/147ha diện tích trồng đã cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch đạt 900 tấn/năm, doanh thu đạt 27 tỷ đồng; bình quân mỗi ha cho thu hoạch khoảng 200 triệu đồng, cá biệt có khi lên đến 400 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các huyện, thị xã có diện tích trồng cây thanh trà lớn như: Hương Trà 481ha; Phong Điền 258ha; Quảng Điền 50ha, Phú Lộc 60ha và thị xã Hương Thủy 105ha...
Nhìn bên ngoài trái thanh trà khác với các loại bưởi khác, thanh trà nhỏ hơn, có hình quả lê, đầu cuống không nhọn như bưởi Năm Roi. Phía bên trong lớp vỏ mịn màng của quả thanh trà là những múi căng mọng. Tép thanh trà ở trong từng múi khi đến độ chín có màu hơi vàng nhạt, mọng nước, ăn hơi giòn, thơm.
Thanh trà thơm ngon đặc biệt, hương vị ngọt thanh, giữ lại rất lâu trong miệng sau khi thưởng thức. Thanh trà không chỉ thơm ở những múi ruột của trái, mà thơm từ vỏ, từ lá. Những trái thanh trà ngon là những trái có vỏ mỏng, láng bóng mang màu nắng.
Thông thường thì đầu vụ thanh trà chưa được ngon. Phải đợi đến lúc vườn thanh trà nhận được những trận mưa đầu mùa thu thì tép mới mọng, vàng ươm. Nhưng nếu bị dầm mưa nhiều ngày hương vị trong từng thớ thịt thanh trà sẽ bị nhạt đi.
Về tiêu thụ: Thanh trà Huế đã có thương hiệu nên việc tiêu thụ tương đối chủ động, nhiều vùng trồng Thanh trà đã được tư thương đặt hàng mua trước. Giá bán từ 40.000 – 45.000 đồng/quả, so với trồng lúa và màu thì trồng thanh trà có giá trị gấp hơn 5 lần. Hiện quả thanh trà Huế hiện đã được bán ở 14 đại lý, siêu thị tại Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Năm 2007, Thanh trà Thủy Biều được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Từ đó đến nay, UBND phường Thủy Biều đã có nhiều chương trình, kế hoạch tạo điều kiện giúp người dân trồng giống cây đặc sản này, nhằm tăng sản lượng thu hoạch và nâng cao thu nhập.
Hàng năm, vào tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, các vườn Thanh trà ở Thủy Biều thu hút nhiều người đến tham quan và thưởng thức loại trái ngon này. Để tạo không gian quảng bá các sản vật địa phương, lễ hội “Thanh trà- hương vị xứ Huế” năm nay được tổ chức tại 540 đường Bùi Thị Xuân (TP Huế) từ ngày 30/8- 2/9 với quy mô khoảng 100 gian hàng. Ngoài những gian thanh trà cho khách thưởng thức và chọn mua, tại lễ hội còn có các hoạt động như: hội thi sản phẩm trái ngon thanh trà Thừa Thiên- Huế, hội thi ẩm thực chế biến món ngon từ trái thanh trà, không gian nông sản- thủ công- ẩm thực, các chương trình nghệ thuật và các trò chơi dân gian.
Đặc biệt năm nay, lễ hội thanh trà có 2 hoạt động mới được tổ chức lần đầu tiên, đó là giới thiệu quy trình trồng và chăm sóc cây thanh trà và lễ cung tiến thanh trà (thanh trà tiến vua). Lễ cáo Thành hoàng cung tiến “Thanh Trà” diễn ra tại 2 đình Lương Quán và Nguyệt Biều và nghi lễ “Cung tiến Thanh Trà” vào Đại Nội Huế.
Các sản phẩm được chế biến từ thanh trà Huế
-Nem chua, ném rán Thanh trà: Khác với những loại nem chua khác, nem chua Thanh trà được chế biến phức tạp và công phu hơn từ nguyên liệu chính từ phần cùi vỏ thanh trà quết nhuyễn, để lên men tự nhiên tạo nên vị chua dìu dịu có mùi vị không kém nem chế biến từ thịt. Nem rán Thanh Trà độc đáo ở điểm nem có vị chua chua, ngọt ngọt, mùi vị dễ chịu, không ngán béo bởi vị dầu và thịt của món nem rán bình thường.
-Gỏi mực Thanh trà: Từng múi thanh trà được bóc ra thành những ném nhỏ. Mực khô được nướng trên bếp than hồng chỉ vừa chín để có được hương vị ngọt thơm và độ mền, sau đó xé nhỏ. Trộn mực và thanh trà với nhau, sau đó rưới lên trên nước mắm tỏi ớt có vị chua của chanh, vị cay của ớt, vị ngọt của đường thật hấp dẫn.
- Mứt thanh trà: Rửa sạch vỏ thanh trà, cạo bỏ lớp ngoài để loại bỏ những cái nám nắng, bẩn, thái thành từng sợi nhỏ, sau đó đem nấu sôi với nước. Sau khi nấu sôi, vớt vỏ thanh trà ra, vắt nước để đi bớt vị hăng, nồng của vỏ rồi để ráo.
Tiếp tục ngâm thanh trà trong đường và sốc đều để tất cả những sợi nhỏ đều bám đường sau đó đóng kín trong hộp. Sau một tuần, đã có thành phẩm là mứt thanh trà thơm ngon với mùi vị ngọt thanh, dịu mát đặc biệt. Bên cạnh đó, mứt thanh trà là món ăn có tác dụng chữa bệnh viêm họng và tránh say tàu xe.
-Chè thanh trà: từ cùi trắng sau khi gọt vỏ, chè thanh trà tương tự như cách chế biến món chè bưởi. Tuy nhiên, chè thanh trà ít đắng hơn và phần cùi thanh trà mỏng và ít hơn nhiều so với quả bưởi thông thường. Vì vậy, phải bổ ra nhiều quả thanh trà mới đủ nguyên liệu để làm nên chén thanh trà ngon ngọt.
Ngoài những món ăn ngon kể trên, một số món ngon khác như: Rượu thanh trà, gà hấp thanh trà, súp thanh trà,...
Xây dựng thương hiệu quốc gia “Thanh trà Huế” hướng tới chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu
Trong những năm qua, bưởi thanh trà đã trở thành cây giảm nghèo, vươn lên làm giàu của hàng ngàn hộ nông dân ở Thừa Thiên - Huế. Với giá trị kinh tế cao, giúp cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, thời gian qua UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch, mở rộng diện tích vùng trồng cây đặc sản thanh trà lên 1.400 ha và đưa loại cây này trở thành cây trồng có hiệu quả ở những vùng đất bãi phù sa ven sông, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều gia đình làm vườn có thêm thu nhập.
Tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ các mô hình khuyến nông để phát triển sản xuất; nghiên cứu về tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ; hỗ trợ những vùng trồng thanh trà (đặc biệt là ở Thủy Biều) xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường...
Trên cơ sở diện tích đã được quy hoạch, những vùng đất đai đủ điều kiện, các địa phương có thể trồng thêm cây thanh trà để mở rộng diện tích, mạnh dạn cải tạo vườn cây tạp, loại bỏ những cây trồng khác không hiệu quả, chất lượng kém, cây bị sâu bệnh nặng để trồng lại theo quy hoạch, qua đó để có thể đầu tư thâm canh.
Tỉnh khuyến khích các địa phương liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.
Khi mở rộng diện tích, trồng mới, người sản xuất cần quan tâm đến chất lượng giống, hạn chế nhân giống bằng phương pháp chiết cành, nên sử dụng những cây giống ghép được nhân từ các cây thanh trà đã được bình tuyển là cây đầu dòng (Hội đồng bình tuyển của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên - Huế đã bình tuyển 8 loài bưởi thanh trà đầu dòng trên địa bàn tỉnh). Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã đưa trái cây đặc sản thanh trà vào chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản của tỉnh đến năm 2020. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để thanh trà Huế vươn xa trên thị trường.
Phường Thủy Biều là địa phương đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng xây dựng thương hiệu "Thanh trà Huế". Để khẳng định chất lượng thanh trà Huế và khỏi bị hàng nhái, trước khi đem đi tiêu thụ, sản phẩm được dán tem thương hiệu "Thanh trà Huế".
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Ban chỉ đạo và đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cùng với các nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu đặc sản Huế, đăng ký thương hiệu ra thị trường nước ngoài.
Việc làm này nhằm hình thành các thương hiệu đặc sản của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.
Thông qua đó để duy trì danh tiếng của đặc sản Huế, nâng cao đời sống của người dân vùng sản xuất, kinh doanh đặc sản và phát huy giá trị văn hóa của đặc sản, góp phần xây dựng văn hóa Huế.
Bưởi đỏ Hồ Hương
Bên cạnh thanh trà - một loại trái cây đặc sản cũng thuộc họ bưởi được trồng rất nhiều ở Thừa Thiên - Huế và đã có thương hiệu, bưởi đỏ lại đang nổi lên như một loại cây trồng mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đem lại hiệu quả cao không kém gì thanh trà.
Chất đất ở phường Hương Hồ rất phù hợp để trồng bưởi đỏ. Nơi đây là đất bãi bồi được sông Hương bồi đắp hằng năm khiến trái bưởi đỏ có vị ngon rất đặc biệt. Vị chua chua thanh thanh khi mới ăn ở đầu lưỡi nhưng khi nuốt thì cảm nhận ngọt dịu. Ngoài ra, nhờ đất tốt nên cây bưởi cho năng suất cao, mỗi cây có thể tồn tại từ 60 - 70 năm.
Cây bưởi ở Hương Hồ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ cần từ 3 - 4 năm là cho trái bói, còn bình thường thì 5 - 7 năm. Ngoài ra khả năng chống chịu các loại sâu bệnh của giống bưởi đỏ là rất cao, do đó bà con không cần phải bơm bất cứ một loại thuốc gì nữa. Muốn bưởi cho năng suất, trái to đẹp người trồng chủ yếu chăm sóc kỹ lưỡng, quét vôi, bón phân, cạo rêu là được.
Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật doanh thu từ bưởi đỏ Hồ Hương lên tới 12 tỷ đồng/năm
Chỉ tính riêng địa bàn phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà diện tích bưởi đỏ đã có 65ha, ước thu nhập năm nay khoảng 12 tỷ đồng, mức cao hơn nhiều so với năm 2016. Chính quyền địa phương đang vận động người dân mở rộng diện tích trồng theo mô hình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất hoa màu sang trồng bưởi đỏ nhằm tăng thu nhập cao hơn, đồng thời xây dựng thương hiệu bưởi đỏ cho địa phương.
Hiện bưởi đỏ Hương Hồ được người dân tỉnh Thừa Thiên -Huế ưa chuộng, thương lái thu mua tận nơi nên bà con rất phấn khởi. Bình quân mỗi cây cho khoảng 250 trái, năng suất đạt từ 2 - 3 tạ/cây, giá bán từ 10 - 15 nghìn đồng/trái.
Mặc dù giá trị kinh tế đem lại của cây bưởi đỏ cho người dân trên địa bàn khá lớn, song do chưa có nhãn hiệu, đầu ra của sản phẩm mang tính tự phát nên lợi nhuận không đảm bảo. Chính vì vậy việc xây dựng thương hiệu “Bưởi đỏ Hương Hồ” được người dân hết sức mong đợi, qua đó giúp du khách gần xa biết đến, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Do đó, Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa cho ra mắt thương hiệu "Bưởi đỏ Hương Hồ - Đặc sản xứ Huế". Hiện tại, Hương Hồ đã tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, giúp người dân cải tạo lại vườn tạp nâng diện tích trồng bưởi đỏ Hương Hồ lên 67 ha, thu hoạch giá trị từ cây bưởi hàng năm khoảng 12 tỷ đồng.
Trước đó, huyện ủy (nay là Thị ủy) Hương Trà đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển cây đặc sản; trong đó, có cây bưởi đỏ, kể từ đó đến nay việc phát triển cây đặc sản bưởi đỏ ở địa phương người dân quan tâm đầu tư canh tác như: cải tạo vườn tạp, chăm sóc cây trồng, một số diện tích đất nông nghiệp có thổ nhưỡng phù hợp đã được chuyển đổi để trồng mới cây bưởi đỏ.
Từ xưa đến nay bưởi đỏ Hương Hồ đã có tiếng, thương lái đến mua tại vườn hoặc mang ra chợ cũng dễ bán. Với việc ra đời thương hiệu "Bưởi đỏ Hương Hồ - Đặc sản xứ Huế" còn tạo điều kiện cho phường Hương Hồ mở rộng các dịch vụ du lịch trải nghiệm đến các nhà vườn trồng bưởi để du khách trong và ngoài nước đến tham quan mua sắm sản phẩm và vươn xa ra các thị trường trong nước. Nhờ hiệu quả từ cây bưởi đỏ mang lại, kinh tế địa phương từ đó ngày càng khởi sắc hơn, người dân phấn khởi vui tươi.
Quy hoạch thanh trà sản xuất theo hướng VietGap
Nhờ cây thanh trà nên đời sống của người dân phường Thủy Biều không chỉ ổn định mà nhiều hộ còn làm giàu. Do đó, Phường đã và đang có kế hoạch lâu dài cho hai chương trình là xây dựng chỉ dẫn địa lý thanh trà và xây dựng tiêu chuẩn thanh trà theo chuẩn Vietgap. Hiện địa phương đang tiến hành cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp đang có nhằm để phát triển giống cây đặc sản này; hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón để tăng thu nhập. Đồng thời, tiếp tục quảng bá thương hiệu thanh trà đến quần chúng nhân dân một cách sâu rộng hơn thông qua các lễ hội, kết hợp du lịch và xuất khẩu tại chỗ, tăng cường quảng bá ra các thị trường phía Bắc. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần đầu tư hệ thống tưới tiêu để cung cấp nước đầy đủ cho cây thanh trà và thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ. Tỉnh tiếp tục đầu tư và đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ các cá nhân (hộ gia đình), các địa phương canh tác theo hướng sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP để trong thời gian tới thanh trà xứ Huế vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã hướng dẫn người dân tưới theo hình thức phun mưa, chăm sóc, bón phân hợp lý, cây trong thời kỳ cho trái. Cùng đó, trước khi sắp thu hoạch khoảng 1 tháng phải tiến hành bao trái để tránh côn trùng và sâu phá hại, nên cây cho trái tốt hơn trước.
Để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang đôn đốc các địa phương, các hộ trồng thanh trà cần bổ sung dinh dưỡng cho đất, bón thêm phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh để tăng hàm lượng mùn trong đất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây thanh trà để cây phát triển tốt, cho quả to, quả đồng đều, có chất lượng.
Tùy điều kiện, tập quán canh tác của mỗi địa phương để bón phân và chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, tỉa trái, bao trái... phù hợp. Đặc biệt là đầu tư xây dựng các vườn thanh trà sản xuất theo VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) để trong tương lai thanh trà Huế có thể thâm nhập thị trường rộng rái và phong phú hơn.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang thực hiện bốn dự án chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản bưởi thanh trà.
Theo đó, hàng năm tổ chức hội thi trái ngon thanh trà Huế theo quy mô toàn tỉnh, mở rộng thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể thanh trà Huế, nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng thanh trà toàn tỉnh, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình cải tạo, trồng và chăm sóc thanh trà ở phường Thủy Biều và sau đó sẽ nhân rộng.