Kỳ Sơn là một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, có thế mạnh để phát triển diện tích cây gừng. Gừng được trồng từ lâu đời ở huyện miền núi Kỳ Sơn, nơi tập trung đồng bào dân tộc người H’mông sinh sống. Tháng 11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới Kỳ Sơn phát triển mở rộng diện tích gừng, mở hướng xuất khẩu trong tương lai gần.
Gừng Kỳ Sơn
Gừng ở Kỳ Sơn được trồng tại các xã Na Ngoi, Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ, Keng Đu, Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý và Bảo Nam.
Ở Kỳ Sơn, người dân địa phương sản xuất hai loại gừng là gừng dé và gừng sừng trâu. Gừng dé dùng để tiêu thụ nội địa là chủ yếu còn gừng sừng trâu hướng tới xuất khẩu. Sản phẩm gừng “Kỳ Sơn” chế biến ra tinh dầu, làm gia vị, hương liệu, dược liệu, thực phẩm… Gừng “Kỳ Sơn” có những đặc điểm về hình thức và chất lượng đặc thù có thể dễ dàng phân biệt so với các loại củ gừng ở các vùng khác. Gừng dé “Kỳ Sơn” củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh. Vỏ và ruột màu trắng ngà, lõi màu vàng nhạt, nhiều xơ. Mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng đậm. Gừng sừng trâu “Kỳ Sơn” củ to, thân tròn, ít nhánh. Vỏ và ruột màu trắng, lõi màu vàng nhạt, ít xơ. Mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng, cay đậm.
Bên cạnh yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến chất lượng của gừng Kỳ Sơn, kinh nghiệm, bí quyết của người sản xuất cũng làm nên đặc thù của sản phẩm. Ngay từ khâu chọn giống, người dân đã lựa chọn những củ chắc, không non, không già, màu sáng bóng, khoảng 10 - 11 tháng tuổi làm giống, lựa chọn mùa vụ canh tác phù hợp với điều kiện khí hậu nơi quanh năm có sương mù, thường xuyên vun gốc trong quá trình chăm sóc để cây sinh trưởng tốt. Đặc biệt, người dân trồng gừng huyện Kỳ Sơn đã tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật về trồng gừng hữu cơ hoàn toàn sạch. Tất cả những bí quyết trên đã tạo cho gừng Kỳ Sơn có tính đặc thù riêng và được người tiêu dùng tin tưởng.
Tháng 11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng “Kỳ Sơn”. UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Đây là cơ sở để người dân tích cực sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, khẳng định thương hiệu gừng Kỳ Sơn trên thị trường; đồng thời nâng cao giá trị nông sản sạch của địa phương lên một tầm cao mới.
Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gừng Kỳ Sơn, trong đó chủ yếu là gừng được sản xuất ở xã Na Ngoi thì người dân sẽ mở rộng diện tích trồng lên rất nhiều. Vì vậy, địa phương sẽ có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá để có nhiều doanh nghiệp vào tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Giải pháp trồng gừng sừng trâu ruột vàng ở Kỳ Sơn để phát triển ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn, mô hình trồng gừng sừng trâu ruột vàng được trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn triển khai thực hiện từ đầu năm 2019, với quy mô 1 ha, 10 hộ tham gia, các hộ mô hình được hỗ trợ 1.300 kg giống gừng sừng trâu ruột vàng, 520 kg phân NPK 13-13-13, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Sau 9 tháng trồng chăm sóc, có thời điểm thời tiết nắng hạn kéo dài, làm cho cây gừng sinh trưởng phát triển chậm, một số diện tích nhỏ bị chết cục bộ. Nhưng đến nay, qua nghiệm thu, đánh giá cho thấy mô hình đạt năng suất 49 tấn/ha, cao hơn đối chứng 40% và tăng hơn so với yêu cầu của mô hình 1,4 lần.
Theo người dân, trồng gừng sừng trâu ruột vàng sử dụng phân hữu cơ cho củ gừng màu sáng, đẹp hơn so với sử dụng phân hóa học. Việc trồng gừng sừng trâu ruột vàng từng bước sẽ mở ra hướng đi mới, giúp người dân yên tâm sản xuất vì thu lãi cao hơn. Thời gian qua, nhờ sự tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng gừng của các cán bộ nông nghiệp đã giúp người dân dần thay đổi tập quán trồng gừng truyền thống. Đặc biệt là cách hướng dẫn bảo quản gừng không dùng hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà vẫn hiệu quả.
Mô hình trồng gừng sừng trâu ruột vàng thành công là một tín hiệu vui với đồng bào dân tộc nơi đây, giúp người dân xã Na Ngoi từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, áp dụng giống mới có năng suất cao hơn vào sản xuất, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm có giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân, và có ý nghĩa lớn hơn nữa khi mà “Gừng Kỳ Sơn” vừa được bảo hộ Chỉ Dẫn địa lý.
Hướng đi mới và những kỳ vọng cho cây gừng Kỳ Sơn
Theo Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, với tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, địa bàn huyện Kỳ Sơn rất phù hợp để phát triển các loại cây, con đặc sản, nhất là dược liệu như cây gừng. Thực tế, hiện nay tại các xã Na Ngoi, Mường Lống với sự quan tâm của ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, doanh nghiệp và địa phương, mô hình các loại cây dược liệu như gừng tiếp tục được mở rộng, sắp tới sẽ nhân rộng ra để các hộ dân tham gia.
Theo kế hoạch của UBND huyện Kỳ Sơn, năm 2020, huyện sẽ phát động mỗi xã trồng thêm từ 50 - 100 ha gừng chủ yếu bằng giống gừng sừng trâu và UBND huyện sẽ trích kinh phí giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trạm khuyến nông huyện xây dựng mô hình thâm canh giống gừng sừng trâu trên diện tích 40 ha ở 3 xã Na Ngoi, Nậm Cắn, Tây Sơn để từ đó tuyên truyền mở rộng diện tích trong toàn huyện vào các năm sau.
Mục tiêu của tỉnh Nghệ An đưa cây gừng trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Kỳ Sơn, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Nguồn: VITIC tổng hợp